Top 5 loại rượu gạo ngon – nhất định phải thử khi du lịch Nhật Bản
Đến với xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản, ngoài những món ăn ngon và điểm tham quan du lịch hấp dẫn, rượu gạo là thứ quan trọng bạn không nên bỏ qua. Từ cách chưng cất điêu luyện, tỉ mỉ, rượu gạo Nhật Bản còn mang cả văn hóa đời sống vô cùng sâu sắc và chinh phục du khách ngay từ lần đầu thưởng thức chúng
Vậy có những loại rượu gạo Nhật Bản nào tiêu biểu? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để bỏ vào hành trang khám phá nhé.
1. Rượu gạo Sake – Nihonshu
Món rượu gạo Nhật Bản nổi tiếng đầu tiên phải nhắc đến đó chính là rượu sake. Trong tiếng Nhật, từ “sake” dùng để chỉ chung các loại rượu nước, do đó khi nhắc đến rượu gạo sake thì người ta sẽ thường gọi chúng là Nihonshu để phân biệt, tránh nhầm lẫn giữa 2 thức uống có cồn này.
Nguyên liệu chính để tạo nên rượu gạo sake truyền thống đó là gạo, mạch nha và nước. Chỉ với 3 thành phần đơn giản này cùng với tác động của vi khuẩn (nấm mốc Koji) và men rượu sẽ tạo ra Nihonshu trong trẻo, thơm ngọt khó quên. Nếu là Nihonshu nguyên chất sau khi lên men thì thường có độ cồn khoảng 18-20% alc, còn nếu pha thêm nước và đóng chai thì chỉ dao động khoảng 15% alc. Vì lẽ đó, rượu gạo sake khá dễ uống cho toàn dân nên được mệnh danh là “quốc tửu” Nhật Bản.
Rượu gạo sake được phân loại theo nhiều yếu tố như chia theo thành phần và chia theo cấp độ sake. Về thành phần nguyên liệu, có 2 loại sake là Junmai (chỉ dùng Gạo, nấm koji và nước) và No Junmai (thêm thành phần khác để tăng độ cay và hương vị), trên các nhãn chai rượu sẽ ghi rõ 3 loại này nên cũng dễ nhận biết. Còn về cách chia theo cấp độ sake, thì có 4 loại là Daiginjo, Ginjo, Junmai, và Honjozo. Chúng khác nhau ở tỉ lệ % mài mòn của gạo và lượng rượu thêm vào.
Việc thưởng thức sake cũng được gọi tên theo cách dùng. Khi đến nhà hàng gọi một chai rượu gạo sake, nếu bạn yêu cầu “atsukan” thì nhân viên sẽ gửi đến bạn ly rượu đựng trong chén nước nóng. Bạn gọi “reishu” thì chai rượu sẽ được ngâm lạnh, còn nói “hiya” thì sẽ được phục vụ chai rượu bình thường.
Một số tên rượu gạo sake nổi tiếng bạn nên dùng thử như Junmai Sake, Ginjo Sake, Daiginjo Sake, Honjozo Sake…
2. Rượu Nigori Zake
Rượu gạo Nhật Bản tiêu biểu tiếp theo phải kể đến chính là Nigori Zake, còn gọi là rượu sữa (hay rượu mây “cloud sake”) và được dùng chủ yếu vào những mùa đông lạnh giá của xứ sở phù tang này. Nigori Zake có màu trắng đục như sữa do bã gạo sau khi lên men cho lẫn vào ly rượu nên nhìn khá bồng bềnh, sánh mịn.
Bã gạo trong chén rượu Nigori Sake như nước cơm nên người dân Nhật Bản thường làm nóng chúng lên để uống cho ấm bụng vào những ngày đông giá rét. Rượu có nồng độ thấp, chỉ khoảng 14 – 17% alc và có vị ngọt nhẹ nên rất dễ uống, người mới lần đầu uống rượu cũng có thể dùng mà không gặp trở ngại gì nhiều. Khi đó, đây là thức uống thiết yếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày của họ.
Khi thưởng thức Nigori Sake, người uống cần lắc đều chai hoặc chén để bã gạo và nước rượu trộn đều vào nhau. Chỉ có như vậy mới cảm nhận được vị ngọt của nước gạo lên men và tinh bột có trong ly.
3. Rượu Shochu Nhật
Nhắc đến Soju thì người ta sẽ nghĩ ngay đến Hàn Quốc, tuy nhiên Nhật Bản cũng có Shochu mang bản sắc riêng với nguyên liệu khác biệt. Chẳng qua là 2 thức uống này chỉ giống nhau ở cách gọi tên ở 2 quốc gia. Shochu Nhật được lên men từ ngũ cốc (gồm gạo, lúa mạch và khoai lang) cùng với trái cây (thường là mơ), sau đó được chưng cất thành rượu.
Khác với “quốc tửu” sake, rượu Shochu Nhật có nồng độ cao hơn nhiều, phổ biến là 25% alc và có những chai lên đến 35% alc (thường dùng để ngâm thuốc hoặc pha cocktail). Do đó, người thưởng thức Shochu Nhật cần cân nhắc về nồng độ cho phù hợp, nhưng dù sao, hương vị thơm ngon của nó cũng rất đáng để thử.
Một số loại rượu Shochu Nhật tiêu biểu thường thấy như shochu gạo, shochu lúa mạch, shochu khoai lang, shochu soba… Và người dân Nhật Bản cũng có nhiều kiểu cách để thưởng thức Shochu, người uống có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất với bản thân.
Trong đó, bạn có thể uống shochu kiểu roku (cho đá vào chén shochu đến khi tan hết mới uống), kiểu Mizuwari (thêm nước lạnh), kiểu Oyuwari (thêm nước nóng), kiểu Chu-hai (pha thêm hương liệu để uống cocktail shochu).
Các loại cocktail được pha từ shochu có thể kể đến như cocktail Uronhai (shochu + trà ô long), cocktail soda (shochu + soda), cocktail hoa quả (shochu + nước ép bưởi/cam/chanh)… Vậy nên nếu bạn e ngại nồng độ cao của shochu thường thì có thể uống cocktail shochu để cảm nhận hương vị nhẹ nhàng hơn.
4. Rượu mơ Umeshu
Những trái mơ tại Nhật có độ phổ biến vô cùng rộng rãi vào do đó, thức rượu làm từ mơ – rượu mơ Umeshu – cũng được ưa chuộng không kém. Chúng có mặt ở hầu hết tại nhà của người dân tại Nhật, đặc biệt các chị em phụ nữ rất thích uống loại rượu này.
Độ cồn của rượu mơ Umeshu chỉ khoảng 14% alc cùng với vị chua ngọt nhẹ nhàng nên khá dễ uống. Nguyên liệu chính để tạo nên Umeshu chuẩn Nhật đó là những trái mơ chất lượng nhất thế giới được ngâm cùng rượu sake (hoặc shochu) và đường phèn. Lúc này, những trái mơ được tuyển chọn vô cùng gắt gao, hơn nữa, phải chọn lọc mơ chưa chín cho đúng với công thức của Nhật. Do đó, rượu mơ Umeshu Nhật có độ ngọt và ít chua hơn những nơi làm rượu mơ khác trên thế giới.
Rượu mơ Umeshu cũng có nhiều kiểu thưởng thức, trong đó phổ biến nhất là uống nóng (chén rượu được ngâm nước nóng trước khi uống) và uống lạnh (ướp lạnh chai rượu hoặc thêm đá lạnh vào chén rượu trước khi uống). Trong đó, kiểu ướp lạnh chai rượu trước khi uống được xem là thông dụng nhất.
5. Rượu Amazake
Nhìn bề ngoài, chén rượu Amazake rất giống như cơm rượu của Việt Nam với màu trắng đục, nước sóng sánh với bã rượu li ti bồng bềnh. Trong khi cơm rượu của Việt Nam dùng cơm nếp để lên men thành rượu thì người Nhật Bản tạo nên Amazake theo công thức khác.
Lấy sake làm tiền đề, người làm rượu sẽ lấy bã gạo của sake sau khi đã lên men để trộn với cơm và nước. Tiếp đó, hỗn hợp này sẽ được lên men để tạo thành rượu Amazake. Có thể nói, đây là thức uống phát triển từ sake sáng tạo mà bình dị, được người dân ưa chuộng bậc nhất. Bởi trong đời sống, đặc biệt là nông dân tại Nhật Bản, rượu Amazake như món ăn hằng ngày hoặc thức uống giải khát, tiếp thêm năng lượng khi làm việc mệt mỏi. Hơn nữa, với nồng độ siêu nhẹ “có như không có”, loại rượu này dùng cho cả trẻ em và người già đều được.
Rượu Amazake còn được sử dụng đặc biệt trong những ngày mùa đông hoặc đầu xuân nên thường uống nóng cho ấm bụng. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội chào đón năm mới, tại các gian hàng tại khu vui chơi, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức rượu Amazake để hòa cùng không khí Tết tại đây rất lý tưởng.