5 loại đồ uống đặc trưng không thể bỏ lỡ khi đến Nhật Bản

Nhật Bản luôn là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trên toàn thế giới. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi những địa điểm danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mà còn nổi tiếng bởi nền văn hoá ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú. Trong đó không thể không kể đến các loại trà và rượu chứa đựng đầy tinh hoa và đậm đà nét truyền thống, có thể làm say lòng bất cứ du khách nào đặt chân đến xứ sở hoa anh đào. Hãy cùng điểm qua 5 loại đồ uống truyền thống đặc trưng của đất nước mặt trời mọc:

1.Rượu Sake

Rượu Sake là một thức uống có nguồn gốc từ Phù Tang (tên gọi của Nhật Bản thời cổ), khi Phù Tang du nhập lúa nước vào sản xuất nông nghiệp thì việc sản xuất rượu Sake từ gạo cũng phát triển theo. Lúc bấy giờ, đây chỉ là loại thức uống dành cho hoàng gia hoặc sử dụng trong các lễ hội đền chùa lớn. Đến cuối thế kỉ 12 thì rượu Sake mới trở thành loại thức uống phổ biến trong tầng lớp bình dân.

Bên cạnh vị ngon khó cưỡng, rượu Sake cũng có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ nếu được sử dụng với liều lượng hợp lý:

  • Ngăn ngừa bệnh ung thư.
  • Tăng cường hệ tiêu hoá.
  • Giảm đau đầu.
  • Làm đẹp và trẻ hoá làn da.

Tuỳ vào thời điểm mà rượu Sake có thể sử dụng nóng hoặc lạnh. Ngoài ra người ta còn chia rượu Sake thành các loại dành cho nam và nữ riêng biệt. Rượu Sake dành cho nam thường có vị hơi đắng, và có vị ngọt dịu dành cho nữ.

Tại Việt Nam có thể mua Rượu Sake nhập khẩu từ Nhật Bản với nhiều mức giá khác nhau tùy vào nguyên liệu, nồng độ cồn, …

2.Bia Hoppy

Bia Hoppy là một loại thức uống mang hơi hướng của vị bia nhưng lại đặc biệt vì không có cồn, được sản xuất lần đầu tiên bởi công ty Kokuha ở Shitamachi.

Có loại bia Hoppy màu giống với màu bia bình thường và loại bia Hoppy có màu đen như màu của bia Đức.

Bia Hoppy cũng có nhiều công dụng đối với sức khỏe:

  • Giảm các bệnh cảm cúm thông thường.
  • Giảm đau đầu.

Người Nhật thường trộn bia Hoppy với rượu Shochu để uống và điều chỉnh nồng độ cồn theo sở thích bằng cách điều chỉnh liều lượng pha chế.

Ở Việt Nam loại đồ uống này chưa được phổ biến, và có rất ích địa điểm để mua được bia Hoppy.

3.Trà Sakura

Trà Sakura hay còn được gọi là trà hoa anh đào là một loại thức uống đặc trưng của Nhật Bản. Được làm từ cánh hoa anh đào muối, khi đổ nước nóng vào sẽ nở ra và nổi lên bồng bềnh trong nước, với một ý nghĩa hết sức độc đáo: màu hồng của hoa anh đào sẽ toả sáng khi xuân về.

Loại thức uống này có nhiều công dụng đặc biệt được phái nữ ưa chuộng:

  • Ngăn ngừa nám và tàn nhang.
  • Hỗ trợ giảm cân.
  • Giúp tinh thần thư giãn.

Tại Nhật, hầu hết các quán nước từ nhỏ đến lớn đều có trà Sakura trong menu của mình.

Tại Việt Nam có thể tìm mua trà Sakura tại các trang thương mại điện tử hoặc các cửa hàng chuyên bán sản phẩm Nhật Bản với giá thành hợp lý.

4.Trà Ryokucha

“Ryoku” trong tiếng Nhật là màu xanh, và “cha” là trà nên người Nhật sử dụng “Ryokucha” để chỉ các loại trà xanh được đun sôi.

Trà được chia thành nhiều loại dựa vào mức độ hấp thụ ánh sáng mặt trời và thời điểm hái lá. Nhiều người Nhật có thói quen kết hợp trà này cùng chanh và nhân sâm để đẩy vị trà xanh đậm hơn.

Trà Ryokucha được nấu từ nhiều loại trà đắng khác nhau và rất tốt cho sức khỏe với một số công dụng nổi bật như:

  • Chống oxy hoá.
  • Tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Hỗ trợ giảm cân.

Tại Việt Nam, trà Ryokucha được bán nhiều nhất ở dạng túi lọc rất thuận tiện trong việc sử dụng.

5.Matcha Latte

Matcha Latte là loại thức uống nổi tiếng, được ưa thích không chỉ ở Nhật Bản mà ở hầu hết các nước trên thế giới.  Matcha Latte là sự kết hợp giữa văn hóa Đông Tây và là sự cộng hưởng về hương vị, màu sắc. Vị chát từ bột trà xanh matcha và vị béo của sữa tươi là sự kết hợp vô cùng độc đáo và làm nổi bật thêm nền văn hoá ẩm thực của xứ sở hoa anh đào.

Người uống có thể điều chỉnh vị ngọt và đắng của Matcha Latte thông qua việc điều chỉnh lượng sữa hoà với bột trà xanh.

Thức uống này là sự kết hợp hoàn hảo của vị ngọt và đắng, ngoài ra nó còn có tác dụng chống oxy hoá và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Giá trị dinh dưỡng của bột trà xanh matcha:

  • Chống oxy hóa, kháng khuẩn.
  • Chống ung thu.
  • Hỗ trợ giảm hấp thụ chất béo.
  • Cung cấp chất dinh dưỡng cho não.

Tại Việt Nam, rất dễ dàng để tìm thấy Matcha Latte trong các thương hiệu nổi tiếng như Starbucks, The Coffee House hay The Alley, …

Trên đây là 5 loại đồ uống vô cùng đặc biệt và mang nét truyền thống đặc trưng của Nhật Bản. Hy vọng bạn sẽ có thêm kiến thức và nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm hiểu về nền ẩm thực của xứ sở hoa anh đào.

Top 5 loại rượu gạo ngon – nhất định phải thử khi du lịch Nhật Bản

Đến với xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản, ngoài những món ăn ngon và điểm tham quan du lịch hấp dẫn, rượu gạo là thứ quan trọng bạn không nên bỏ qua. Từ cách chưng cất điêu luyện, tỉ mỉ, rượu gạo Nhật Bản còn mang cả văn hóa đời sống vô cùng sâu sắc và chinh phục du khách ngay từ lần đầu thưởng thức chúng
Vậy có những loại rượu gạo Nhật Bản nào tiêu biểu? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để bỏ vào hành trang khám phá nhé.

1. Rượu gạo Sake – Nihonshu


Món rượu gạo Nhật Bản nổi tiếng đầu tiên phải nhắc đến đó chính là rượu sake. Trong tiếng Nhật, từ “sake” dùng để chỉ chung các loại rượu nước, do đó khi nhắc đến rượu gạo sake thì người ta sẽ thường gọi chúng là Nihonshu để phân biệt, tránh nhầm lẫn giữa 2 thức uống có cồn này.

Nguyên liệu chính để tạo nên rượu gạo sake truyền thống đó là gạo, mạch nha và nước. Chỉ với 3 thành phần đơn giản này cùng với tác động của vi khuẩn (nấm mốc Koji) và men rượu sẽ tạo ra Nihonshu trong trẻo, thơm ngọt khó quên. Nếu là Nihonshu nguyên chất sau khi lên men thì thường có độ cồn khoảng 18-20% alc, còn nếu pha thêm nước và đóng chai thì chỉ dao động khoảng 15% alc. Vì lẽ đó, rượu gạo sake khá dễ uống cho toàn dân nên được mệnh danh là “quốc tửu” Nhật Bản.

Rượu gạo sake được phân loại theo nhiều yếu tố như chia theo thành phần và chia theo cấp độ sake. Về thành phần nguyên liệu, có 2 loại sake là Junmai (chỉ dùng Gạo, nấm koji và nước) và No Junmai (thêm thành phần khác để tăng độ cay và hương vị), trên các nhãn chai rượu sẽ ghi rõ 3 loại này nên cũng dễ nhận biết. Còn về cách chia theo cấp độ sake, thì có 4 loại là Daiginjo, Ginjo, Junmai, và Honjozo. Chúng khác nhau ở tỉ lệ % mài mòn của gạo và lượng rượu thêm vào.

Việc thưởng thức sake cũng được gọi tên theo cách dùng. Khi đến nhà hàng gọi một chai rượu gạo sake, nếu bạn yêu cầu “atsukan” thì nhân viên sẽ gửi đến bạn ly rượu đựng trong chén nước nóng. Bạn gọi “reishu” thì chai rượu sẽ được ngâm lạnh, còn nói “hiya” thì sẽ được phục vụ chai rượu bình thường.

Một số tên rượu gạo sake nổi tiếng bạn nên dùng thử như Junmai Sake, Ginjo Sake, Daiginjo Sake, Honjozo Sake…

2. Rượu Nigori Zake


Rượu gạo Nhật Bản tiêu biểu tiếp theo phải kể đến chính là Nigori Zake, còn gọi là rượu sữa (hay rượu mây “cloud sake”) và được dùng chủ yếu vào những mùa đông lạnh giá của xứ sở phù tang này. Nigori Zake có màu trắng đục như sữa do bã gạo sau khi lên men cho lẫn vào ly rượu nên nhìn khá bồng bềnh, sánh mịn.

Bã gạo trong chén rượu Nigori Sake như nước cơm nên người dân Nhật Bản thường làm nóng chúng lên để uống cho ấm bụng vào những ngày đông giá rét. Rượu có nồng độ thấp, chỉ khoảng 14 – 17% alc và có vị ngọt nhẹ nên rất dễ uống, người mới lần đầu uống rượu cũng có thể dùng mà không gặp trở ngại gì nhiều. Khi đó, đây là thức uống thiết yếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày của họ.

Khi thưởng thức Nigori Sake, người uống cần lắc đều chai hoặc chén để bã gạo và nước rượu trộn đều vào nhau. Chỉ có như vậy mới cảm nhận được vị ngọt của nước gạo lên men và tinh bột có trong ly.

3. Rượu Shochu Nhật


Nhắc đến Soju thì người ta sẽ nghĩ ngay đến Hàn Quốc, tuy nhiên Nhật Bản cũng có Shochu mang bản sắc riêng với nguyên liệu khác biệt. Chẳng qua là 2 thức uống này chỉ giống nhau ở cách gọi tên ở 2 quốc gia. Shochu Nhật được lên men từ ngũ cốc (gồm gạo, lúa mạch và khoai lang) cùng với trái cây (thường là mơ), sau đó được chưng cất thành rượu.

Khác với “quốc tửu” sake, rượu Shochu Nhật có nồng độ cao hơn nhiều, phổ biến là 25% alc và có những chai lên đến 35% alc (thường dùng để ngâm thuốc hoặc pha cocktail). Do đó, người thưởng thức Shochu Nhật cần cân nhắc về nồng độ cho phù hợp, nhưng dù sao, hương vị thơm ngon của nó cũng rất đáng để thử.

Một số loại rượu Shochu Nhật tiêu biểu thường thấy như shochu gạo, shochu lúa mạch, shochu khoai lang, shochu soba… Và người dân Nhật Bản cũng có nhiều kiểu cách để thưởng thức Shochu, người uống có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất với bản thân.

Trong đó, bạn có thể uống shochu kiểu roku (cho đá vào chén shochu đến khi tan hết mới uống), kiểu Mizuwari (thêm nước lạnh), kiểu Oyuwari (thêm nước nóng), kiểu Chu-hai (pha thêm hương liệu để uống cocktail shochu).

Các loại cocktail được pha từ shochu có thể kể đến như cocktail Uronhai (shochu + trà ô long), cocktail soda (shochu + soda), cocktail hoa quả (shochu + nước ép bưởi/cam/chanh)… Vậy nên nếu bạn e ngại nồng độ cao của shochu thường thì có thể uống cocktail shochu để cảm nhận hương vị nhẹ nhàng hơn.

4. Rượu mơ Umeshu


Những trái mơ tại Nhật có độ phổ biến vô cùng rộng rãi vào do đó, thức rượu làm từ mơ – rượu mơ Umeshu – cũng được ưa chuộng không kém. Chúng có mặt ở hầu hết tại nhà của người dân tại Nhật, đặc biệt các chị em phụ nữ rất thích uống loại rượu này.

Độ cồn của rượu mơ Umeshu chỉ khoảng 14% alc cùng với vị chua ngọt nhẹ nhàng nên khá dễ uống. Nguyên liệu chính để tạo nên Umeshu chuẩn Nhật đó là những trái mơ chất lượng nhất thế giới được ngâm cùng rượu sake (hoặc shochu) và đường phèn. Lúc này, những trái mơ được tuyển chọn vô cùng gắt gao, hơn nữa, phải chọn lọc mơ chưa chín cho đúng với công thức của Nhật. Do đó, rượu mơ Umeshu Nhật có độ ngọt và ít chua hơn những nơi làm rượu mơ khác trên thế giới.

Rượu mơ Umeshu cũng có nhiều kiểu thưởng thức, trong đó phổ biến nhất là uống nóng (chén rượu được ngâm nước nóng trước khi uống) và uống lạnh (ướp lạnh chai rượu hoặc thêm đá lạnh vào chén rượu trước khi uống). Trong đó, kiểu ướp lạnh chai rượu trước khi uống được xem là thông dụng nhất.

5. Rượu Amazake


Nhìn bề ngoài, chén rượu Amazake rất giống như cơm rượu của Việt Nam với màu trắng đục, nước sóng sánh với bã rượu li ti bồng bềnh. Trong khi cơm rượu của Việt Nam dùng cơm nếp để lên men thành rượu thì người Nhật Bản tạo nên Amazake theo công thức khác.

Lấy sake làm tiền đề, người làm rượu sẽ lấy bã gạo của sake sau khi đã lên men để trộn với cơm và nước. Tiếp đó, hỗn hợp này sẽ được lên men để tạo thành rượu Amazake. Có thể nói, đây là thức uống phát triển từ sake sáng tạo mà bình dị, được người dân ưa chuộng bậc nhất. Bởi trong đời sống, đặc biệt là nông dân tại Nhật Bản, rượu Amazake như món ăn hằng ngày hoặc thức uống giải khát, tiếp thêm năng lượng khi làm việc mệt mỏi. Hơn nữa, với nồng độ siêu nhẹ “có như không có”, loại rượu này dùng cho cả trẻ em và người già đều được.

Rượu Amazake còn được sử dụng đặc biệt trong những ngày mùa đông hoặc đầu xuân nên thường uống nóng cho ấm bụng. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội chào đón năm mới, tại các gian hàng tại khu vui chơi, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức rượu Amazake để hòa cùng không khí Tết tại đây rất lý tưởng.