Những chai rượu mùi Liqueur được xem như yếu tố vô cùng quan trọng, giúp cho các bartender sáng tạo nên các món cocktail hấp dẫn. Chúng rất phổ biến tại các quán bar, nhà hàng… thậm chí còn có mặt tại quán rượu nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều chai Liqueur với đủ loại hương vị khác nhau trên thị trường thế giới. Vậy làm sao để phân biệt chúng và ứng dụng trong pha chế?
Dựa trên thành phần chủ yếu của các chai rượu, giới pha chế đã phân loại Liqueur thành nhiều dạng khác nhau. Vừa giúp dễ phân biệt, việc phân dạng này còn giúp bartender hệ thống được các loại Liqueur dùng trong công cuộc pha chế sáng tạo của mình.
Hãy tham khảo bài viết chia sẻ sau đây của Ranking Board để tìm hiểu về các dạng rượu mùi Liqueur phổ biến nhất nhé.
1.Rượu mùi thảo mộc – Herbal Liqueur
Herbal Liqueur là dạng rượu mùi cơ bản nhất và tính ứng dụng cao nhất trong số các loại rượu mùi hiện nay. Từ nền rượu mạnh chưng cất ban đầu, người làm rượu sẽ thêm các thành phần thảo mộc và đường để tạo nên dạng rượu mùi thảo mộc đặc trưng như cái tên của nó.
Theo các nhà nghiên cứu về rượu, họ cho biết rượu mùi thảo mộc đã có mặt trên thế giới từ khoảng thế kỷ XIII – XIV. Bấy giờ, người ta kết hợp rượu mạnh với thảo mộc bằng nhiều cách khác nhau, nhằm tạo nên thức uống vừa giải trí, vừa giữ ấm và vừa có tác dụng chữa bệnh. Mỗi chai tạo thành thể hiện đặc tính tiêu biểu của loại thảo mộc chính trong thành phần. Và do đó, hương vị của Herbal Liqueur rất đa dạng và mùi hương cũng khá phức tạp.
Một số chai rượu Herbal Liqueur tiêu biểu thường dùng như Fernet-Branca (cam thảo đen), Aperol (cây khổ sâm), Vaccari Sambuca (đại hồi)…
2.Rượu mùi hoa – Floral Liqueur
Flora Liqueur là một dạng rượu mùi dựa trên nền tảng rượu thảo mộc, thể hiện đặc trưng với mùi hương hoa đa dạng, nhẹ nhàng và ngọt ngào. Xuất hiện tại châu Âu vào thế kỷ XVI, Flora Liqueur thể hiện sự cao quý của mình khi chỉ dành cho giới quý tộc và người của Hoàng Gia Pháp thời bấy giờ. Sự việc này bắt nguồn từ việc công nương Catherine de Medici – vợ vua Henry II – đã đem lòng yêu thích và đắm say thưởng thức rượu hương hoa mỗi ngày, từ đó sở thích này được hưởng ứng và trở thành văn hóa trong giới quyền quý.
Thuở ban đầu, rượu mùi hoa Flora Liqueur chỉ có các mùi hương đơn giản từ các loại hoa như hoa hồng, hoa ly, hoa nhài… Đến nay, nhờ sự phát triển vượt bậc của ngành rượu Pháp và cả thế giới, rượu mùi hoa đã trở nên đa dạng chủng loại và có nhiều mùi hương từ hoa độc đáo hơn.
Các bartender cũng sử dụng một số loại rượu mùi hoa tiêu biểu cho thức uống pha chế của mình như rượu St.Germain (hoa elderflower), Iris Liqueur (hoa iris), Combier Liqueur de Rose (hoa hồng)…
3.Rượu mùi trái cây – Fruit Liqueur
Đơn giản như cái tên, rượu mùi Fruit Liqueur có thành phần chính là rượu nền mạnh chưng cất cùng các loại trái cây để tạo nên hương vị rượu hoa quả thơm ngon, ứng dụng đa nhiệm hơn trong việc thưởng thức và đặc biệt là pha chế.
Bất nguồn từ thế kỷ XIX, Fruit Liqueur xuất hiện đầu tiên là rượu mùi cam. Bấy giờ, người Hà Lan đã sử dụng những trái cam (gồm cả vỏ) du nhập từ Trung Hoa để tạo nên thức uống giải khát. Hương vị của nó đã chinh phục rất nhiều người và lan ra cả châu Âu nên nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm rượu mùi trái cây đa dạng hơn.
Đến nay, một số chai rượu mùi Fruit Liqueur đã có mặt nhiều nơi trên thế giới, một số loại tiêu biểu có thể kể đến như rượu Grand Marnier (mùi cam), Bols Strawberry (mùi dâu), Bols Maraschino (mùi quả cherry)…
4.Rượu mùi hạt – Nut, Bean & Seed Liqueur
Rượu mùi hạt là tên gọi đại diện cho dạng rượu mùi được tạo nên nhờ việc chưng cất rượu mạnh cùng nguyên liệu hạt như hạnh nhân, cacao, quả hồi… Trong đó, để các loại hạt được phát huy đặc trưng mùi vị tối đa, các loại rượu mạnh làm tiền đề phải có nồng độ khá cao, thường trên 40% alc.
Các loại hạt/đậu ban đầu dùng để chưng cất thành Liqueur phổ biến là hạnh nhân, quả phỉ, quả óc chó… Chúng sẽ được nghiền nát thành từng mảnh vụn nhỏ rồi ngâm cùng rượu và đường trong thời gian dài. Tùy theo tiêu chuẩn, mỗi thành phẩm Liqueur có thời gian sản xuất khác nhau. Sự giao thoa của nhiều nguyên liệu giúp cho rượu mùi hạt có đặc tính dễ phân biệt hơn các loại rượu mùi khác.
Một số loại rượu mùi dạng Nut, Bean & Seed Liqueur phổ biến hiện nay gồm có rượu Amaretto (vị hạnh nhân), Kahlua (vị cà phê)…
5.Rượu mùi kem – Cream Liqueur
Dạng rượu mùi tiêu biểu cuối cùng được nhắc đến trong danh sách này chính là rượu mùi kem – Cream Liqueur. Khi so sánh với các dạng rượu mùi phổ biến khác thì rượu mùi kem có vẻ khiêm tốn hơn bởi chúng được ra đời muộn nhất. Năm 1974, rượu sữa Bailey ra đời, đánh dấu mốc quan trọng trong giới pha chế về sự xuất hiện của dạng rượu mùi kem đầu tiên trên thế giới. Từ đây, dòng rượu này liên tục thống trị tại các quán bar và chứng minh giá trị thưởng thức tuyệt vời trong lòng mỗi thực khách.
Ngoài rượu kem sữa Baileys, đến nay đã có nhiều nhà sản xuất bắt tay cho ra đời nhiều loại rượu mùi kem tiêu biểu như Rum Chata (kem quế vani), Voodoo Cream Liqueur (Indian Cream), Tequila Rose (kem dâu)… Ứng dụng chủ yếu của dòng rượu này chính là làm cocktail dạng ngọt và làm các bánh bông lan.