Khám phá Top 5 loại rượu đặc sản Việt Nam nổi tiếng từ các vùng miền

Rượu đặc sản Việt Nam có mặt trải dài từ Bắc chí Nam, mỗi nơi đều sở hữu hương vị đặc trưng rất riêng. Trong đó, hầu hết các loại rượu đều được làm ra từ lúa gạo – nguồn lương thực chủ yếu của ngành nông nghiệp Việt. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên văn hóa vùng miền đa dạng và phong phú của đất nước. Vậy có những loại rượu đặc sản nào bạn nên biết? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu ngay nhé.

1. Rượu nếp cái hoa vàng – Bắc Bộ


Mặc dù không biết cụ thể rượu nếp cái hoa vàng có từ bao giờ và đến từ tỉnh nào của Việt Nam, nhưng mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Được làm từ giống lúa nếp cái hoa vàng nên rượu cũng có cái tên này. Nó mang đến hương vị đồng nội sâu sắc và cả nụ cười giòn tan của những nông dân bên những ruộng lúa bát ngát.

Giống lúa nếp cái hoa vàng chỉ sinh trưởng và trổ bông tốt nhất vào đầu tháng 10 hằng năm và do đó, đây cũng là thời gian thuận lợi để người dân thu hoạch và làm rượu. Khi đó, gạo nếp sẽ được ngâm ủ trực tiếp cùng cơm rượu nếp trong chiếc chum sành, sau một thời gian (khoảng 20-30 ngày tùy thời tiết) sẽ tạo thành màu vàng sáng nhẹ rất bắt mắt. Có thể thấy, quy trình làm rượu này không có bước chưng cất nên vẫn giữ được hương vị nồng nàn, vị cay đậm với màu sắc tự nhiên.

Ngoài việc ủ rượu để sử dụng vào những mùa lạnh, để giải trí sau những ngày làm đồng vất vả, rượu nếp cái hoa vàng còn được sử dụng làm quà tặng trong các ngày lễ, Tết trong năm. Hiện nay, nơi nổi tiếng tại khu vực Bắc Bộ sản xuất rượu nếp cái hoa vàng tiêu biểu như nhà Đại Thắng – Thanh Hóa, Làng Vân – Bắc Giang, Ông Đường – Hà Nội…

2. Rượu Mẫu Sơn – Lạng Sơn


Rượu Mẫu Sơn là một loại rượu đặc sản của người dân tộc Dao thuộc tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam. Do rượu được chưng cất với phương pháp bí truyền từ các đời cha ông trên đỉnh núi Mẫu Sơn nên nó còn có tên là Mẫu Sơn Đỉnh.

Nguyên liệu chính để làm nên rượu Mẫu Sơn đó chính là gạo, men lá rừng và nước suối. Gạo – thường là gạo tẻ – được thu hoạch trên những cánh đồng ruộng bậc thang tại các sườn đồi. Nước suối sẽ được lấy từ những con suối chảy trong núi, thường tọa lạc ở độ cao 1000m so với mực nước biển. Còn men lá rừng thì được nấu từ hơn 30 loại thảo được từ núi rừng Tây Bắc hiếm có như dây nước, trầu rừng, cây 30 rễ, dây ngọt… Từ đó, chính bàn tay của con người đã tạo nên một thức uống trong vắt như nước suối, vị nồng đậm, cay cay nhưng hậu vị lại ngọt dễ chịu, còn mang hương thơm của lá rừng khó quên.

Vào năm 2002, người Dao vô cùng vinh dự khi loại rượu của họ được trao tặng giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt”. Nhờ đó, thứ rượu này được phổ biến hơn trên cộng đồng cả nước, giúp nâng tầm giá trị địa phương và phát triển đời sống người dân ở Mẫu Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung.

3. Rượu Kim Sơn – Ninh Bình


Tỉnh Ninh Bình được cả thế giới biết đến với Danh thắng Tràng An – nơi đã từng là phim trường của “Kong: Skull Island” rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực cũng là yếu tố đặc sắc của vùng đất này, và mỗi khi nhắc đến, rượu Kim Sơn là một đại diện tiêu biểu.
Được đặt tên theo chính vùng đất mà nó sinh ra, rượu Kim Sơn là đặc sản của làng nghề nấu rượu lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên liệu để ngâm ủ rượu này cũng đến từ những thứ rất “thiên nhiên” như nước giếng khoan tự nhiên, gạo nếp (thường là nếp cái hoa vàng) và đặc biệt còn có men từ hơn 36 vị thuốc Bắc.

Rượu Kim Sơn có màu trong suốt, uống vào khá thơm và êm dịu, thường được chia thành 3 loại theo nồng độ gồm loại 1 (40-45 độ), loại 2 (45-55 độ), loại 3 (từ 55 độ trở lên). Càng nhiều bọt tăm rượu thì Kim Sơn càng có nồng độ cồn cao, tuy nhiên nhờ men thảo mộc nên người uống sẽ không bị sốc hay quá đau đầu. Hơn nữa, rượu Kim Sơn còn hỗ trợ chữa trị một số bệnh như tiêu hóa, cảm lạnh, nhức mỏi… rất có lợi.

Khi người Kim Sơn di cư, rượu cũng từ đó được sản xuất nhiều nơi khác ở Việt Nam, đã được đóng chai hàng loạt và bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm này khó có được hương vị “đúng chất” khi làm tại chính quê hương của nó.

4. Rượu Bàu Đá – Bình Định


Mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất tửu” đến từ Xứ Nẫu Bình Định, rượu Bàu đá được xem như thức uống đặc sản mang hương vị của cả đất và trời tại nơi này. Còn gọi là rượu Bầu đá, đây là sản phẩm lâu đời phát xuất tại làng Cù Lâm – huyện An Nhơn, Bình Định được cha ông sáng tạo và gìn giữ, truyền thị công thức bí truyền cho đến ngày nay.

Nguyên liệu để tạo nên rượu Bàu đá khá đơn giản, chỉ gồm nước, men và gạo. Tuy nhiên, điều làm nên đặc trưng của rượu chính là nước được lấy từ nguồn nước ngầm rỉ ra dưới đất (cách mặt đất khoảng 20-30m). Sau đó, gạo (hoặc nếp) sẽ được nấu và chưng cất thủ công theo chính phương pháp bí truyền để lại, tạo nên hương vị không thể bắt chước được.

Nồng độ rượu Bàu đá khá cao, được chia thành 2 loại gồm: rượu loại 1 (50-55 độ), rượu loại 2 (khoảng 45 độ). Do đó, hầu như trước khi dùng, người ta đều ngâm chúng với một số nguyên liệu như nhân sâm, nấm linh chi, hà thủ ô… để mang lại hương vị thơm nồng, cay cay. Với liều lượng vừa đủ, rượu sẽ giúp cơ thể phấn chấn hơn, hỗ trợ tiêu hóa và giảm triệu chứng đau nhức mỏi.

5. Rượu vang sim Phú Quốc – Kiên Giang


Đến với Đảo ngọc Phú Quốc của miền Nam Việt Nam (tỉnh Kiên Giang), ngoài vùng biển xanh với cát trắng, nắng vàng, nơi đây còn nổi tiếng với rượu vang sim dễ làm say mê lòng người. Nhờ hệ sinh thái biển đảo đặc trưng, khu vực rừng núi của Phú Quốc là nơi thích hợp để trồng sim – một loại cây thân gỗ, trái tròn nhỏ màu tím đen tựa như nho đỏ – để tạo nên dòng rượu thơm ngon này.

Thành phần chủ yếu của rượu vang sim gồm rượu nếp, đường cát trắng và trái sim (chủ yếu là sim hồng). Sau khi trái sim được ủ lên men theo cách truyền thống bằng thủ công, rượu sẽ được chưng cất trước khi đến tay người dùng, cho ra hương vị cay cay, chua ngọt và chát dịu nhẹ tựa như vang đỏ. Nồng độ của rượu vang sim vì thế cũng chỉ nằm trong khoảng từ 10 -14%, không quá mạnh như các loại rượu đặc sản Việt Nam kể trên.

Ngoài việc sử dụng như thức uống, rượu vang sim còn có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, trị bệnh thiếu máu và suy nhược cơ thể. Và hầu hết, các ngư dân tại vùng biển Phú Quốc đều mang trong mình những chai vang sim để nhâm nhi lúc ra khơi đánh bắt cá như một thói quen không thể thiếu trong hành trình mưu sinh của họ.

Top 5 loại sữa tắm ưu việt cho bạn body tỏa ngát hương thơm suốt… Top 5 nước tẩy trang nội địa Nhật tốt nhất bạn nên thử 2021